Phong là gì ? — Là thơ ca dao về phong tục của nhân dân. Sử là gì ? — Là tấm gương sáng để soi mà biết việc phải trái, việc thiện ác, việc khen chê, việc khuyến khích và trừng phạt.
Phong sao gọi là sử ? — Là vì nhân xem phong tục của nhân dân mà biết được quốc sử.
Nước Nam ta lập quốc đã lâu đời trên dưới trong khoảng năm ngàn năm, chính trị của triều đình, phong tục của nhân dân, việc theo cũ hay đổi mới, việc người hiền giỏi kẻ gian tham nối nhau nổi lên đều còn ghi chép trong quốc sử, thỉnh thoảng lại tản mác trong thơ phong dao của nhân dân. Nhưng trải qua các đời, thơ phong dao chưa được làm sách để quan Ngự sử trông nom, cho nên người đọc sử có điều chưa vừa ý...
...Chẳng bao lâu tôi sung chức ở ngoài, mùa xuân năm nay từ Nghệ An được đổi về Thanh Hóa làm chức Bố chánh ở Thanh Hóa, nhân dân thuần hậu, việc chính khá đơn giản, tôi thường cùng các vị học rộng ở trị sở và những văn nhân trong hạt lo chọn lựa thu nhặt rộng rãi những thơ phong dao, chọn những câu nào có thể làm gương về sự khuyến khích điều thiện và giới trừng điều ác, được một trăm thiên, lấy thơ phong dao làm chánh vần, lấy Việt sử, dã sử ngoại truyện tiểu thuyết làm chú thích.
Phong chăng ? Sử chăng ? Này, thơ ca dao của phong tục nhân dân, nếu thưởng thức sơ qua thì người quê ở làng ấp không đủ để đưa vào thơ Đại nhã, còn thưởng thức sâu xa thì đó là gió mây sương lộ đều thuộc về văn chương, cây cỏ chim trùng hẳn là diệu lý. Lời nói thiển cận mà ý tứ sâu xa, cơ hồ như có cái thể tài nâng cao phần phong nhã vậy.
Huống chi đương lúc tân học mới phát khởi, không đọc sử nước Nam thì bị chê là quên tổ tiên nòi giống, không thuộc thơ phong dao lịch sử thì cũng không khỏi bị cười là kẻ quay mặt vào tường chẳng thấy biết gì. Cho nên không nệ hủ lậu chú thích có sai lầm và thêm nghị luận theo ý mình vào, chỉ để làm thành quyển sách cho đàn bà con trẻ đọc vậy thôi.
Phó bảng Khoa Kỷ Sửu Bố chánh sứ tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Mại